Trong các trận đấu bóng rổ, những tình huống rebound (bắt bóng bật bảng) diễn ra một cách thường xuyên. Chính vì thế mà, khả năng rebound rất được coi trọng ở các cầu thủ bóng rổ. Không sai khi nhận xét rebound đóng vai trò quyết định tới kết quả thắng thua của mỗi đội.
Rebound được tính sau mỗi lần đối phương ném hụt, bao gồm cả air balls (ném không chạm vành rổ). Đặc điểm dễ nhận thấy nhất của rebound là pha ném bóng phải đập vào rổ hay thành rổ. Khi một cầu thủ thực hiện pha ném rổ hụt, và quả bóng rơi xuống thì người nào nhặt được bóng trước sẽ được tính là rebound. Mỗi pha tấn công dù thành công hay hỏng ăn thì pha rebound sẽ quyết định bên nào giành được quyền tấn công kế tiếp. Đội bóng nào có các cầu thủ rebound tốt sẽ giúp cho đội nhà chiếm ưu thế lớn trong cả việc tấn công lẫn phòng ngự.
Rebound được phân thành 2 loại chính
Offensive rebound: Đội tấn công ném rổ hụt và tiếp tục bắt được bóng. Offensive rebounds” sẽ giúp đội tấn công có thêm cơ hội thứ hai để ghi điểm (second chance).
Defensive rebound: Đội phòng thủ bắt được bóng sau pha ném rổ hụt của đối thủ và giành quyền phản công. Thông thường thì những tình huống Defensive rebound sẽ có lợi hơn cho đội phòng thủ do họ luôn có sự chuẩn bị tốt hơn ở khu vực bên trong (đứng gần rổ hơn).
Đối với thống kê, các chỉ số như “rebounds per game” (số rebound trung bình mỗi trận) được dùng để đo mức độ hiệu quả rebound của từng cầu thủ.
Rebound cũng được tính cho cầu thủ tấn công thực hiện hành động tip-in (khi bóng bật ra từ một pha ném rổ, thay vì bắt bóng bật bảng, cầu thủ bên phía đội tấn công dùng tay đẩy bóng vào rổ). Ngoài ra, hành vi cản phá bóng (block) không được phép coi là một rebound.