Bầu Đức và Bầu Hiển – Sách Bão Lửa U23 Việt Nam – Thường Châu Tuyết Trắng

Hai ông bầu cùng sinh năm 1962 đã góp tổng cộng 11 cầu thủ trong danh sách đội tuyển U23 dự VCK giải châu Á, và góp 8 trong số 13 cầu thủ thường xuyên ra sân của đội bóng.

Những cầu thủ nổi bật ở U23 Việt Nam thuộc biên chế các đội bóng của bầu Đức và bầu Hiển có thể kể đến hậu vệ Đoàn Văn Hậu (Hà Nội), Vũ Văn Thanh (HAGL), Đỗ Duy Mạnh (Hà Nội); tiền vệ Phạm Đức Huy (Hà Nội), Nguyễn Quang Hải (Hà Nội), Nguyễn Phong Hồng Duy (HAGL); tiền đạo Nguyễn Công Phượng (HAGL)…

BẦU ĐỨC – NGƯỜI KHAI PHÁ

Bầu Đức, tên thật là Đoàn Nguyên Đức, một trong ba người khai phá việc tư nhân hóa bóng đá, khi “mua” đội hạng nhất Gia Lai, đổi tên thành Hoàng Anh Gia Lai năm 2001, ngay lập tức thăng lên hạng chuyên nghiệp, và cũng vô địch V.League ngay ở mùa đầu tiên tham dự.

Hai ông bầu còn lại là Võ Quốc Thắng (Gạch Đồng Tâm Long An) và Nguyễn Đức Kiên (ACB Hà Nội). Cũng chính ba ông bầu này về sau (năm 2011) đã lập Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong điều hành V.League.

Cùng với việc tuyển mộ Kiatisak và vô địch V.League, Hoàng Anh Gia Lai từ một thương hiệu tỉnh lẻ lập tức trở thành thương hiệu lớn, được biết đến rộng rãi trên toàn quốc.

Bản thân vụ tuyển mộ Kiatisak là lần đầu tiên bóng đá Việt thực hiện một thương vụ chuyển nhượng quốc tế có ảnh hưởng lớn về truyền thông, được xem như “không tưởng”, khi lúc đó bóng đá Việt ở vị thế thấp hơn Thái Lan về mọi mặt, trong khi Kiatisak lại là biểu tượng của bóng đá Thái.

Kiatisak không phải là cái tên duy nhất. Gần như tất cả cầu thủ xuất sắc nhất của bóng đá Việt có thể mua được lúc đó, bầu Đức đều mua, tạo ra đội hình trong mơ với lối chơi đẹp mắt, mang lại hai chức vô địch V.League liên tiếp năm 2002, 2003. Nên bầu Đức cũng là người khai phá, tạo ra thị trường cầu thủ Việt.

Nhưng HAGL giống như chiếc trực thăng, cất cánh thẳng đứng mà không thể bay đường dài. Sau 2 chức vô địch quốc gia, họ không bao giờ trở lại vị trí này nữa. Những cố gắng miệt mài của bầu Đức sau đó, gồm cả thương vụ gây chấn động hơn cả vụ tuyển mộ Kiatisak là đón cầu thủ Việt kiều Lee Nguyễn từ châu Âu về (từ CLB Randers FC của Đan Mạch), cũng không thể chấn hưng lại HAGL.

Dường như là những sai lầm về quản trị đã không giúp HAGL duy trì được vị thế. Bầu Đức khai phá ra thị trường cầu thủ thì cũng bao gồm cả khai sinh tác động tiêu cực. Ông đặt ra tiền lệ chế độ lót tay khi ký hợp đồng với cầu thủ, làm giàu nhanh chóng cho họ nhưng cũng làm hư họ, và bòn rút nguồn lực của các đội bóng đã đào tạo nên họ.

Chế độ thưởng nóng đầy cảm hứng theo thành tích của đội bóng cũng là do ông đặt tiền lệ, và cũng làm hư cầu thủ. Nó khiến cầu thủ nhìn thấy treo thưởng mới cố gắng, thay vì nỗ lực thi đấu là trách nhiệm đương nhiên của họ. Nó khiến các cầu thủ so bì về mức thưởng giữa các đội khác nhau, thấy thấp thì bĩu môi không cố gắng.

Cuộc chạy đua về chế độ lót tay, tiền thưởng ở V.League mà bầu Đức khơi mào đã vắt kiệt nguồn lực của các ông bầu, khiến hàng loạt doanh nghiệp chỉ nhảy vào như cuộc chơi ngắn hạn rồi rút đi. Bầu Đức khai mào việc làm hư cầu thủ, rồi lại quay sang chửi cầu thủ hư, khi có đội bóng khác lôi kéo cầu thủ của mình với số tiền lót tay nhiều hơn.

Bất lực, ông cho rằng sự hỏng hóc này là cả một thế hệ, quyết tâm làm lại bằng đào tạo.

Lại một cú đột phá mới với việc khai trương lò đào tạo HAGL Arsenal JMG, hợp tác với CLB Arsenal và bê mô hình của họ, tuyển sinh lứa đầu năm 2007. Không chỉ dạy họ đá bóng, lò đào tạo này còn dạy cầu thủ những kỹ năng sống và sống tử tế. Niềm vui của ông chuyển dần từ việc dự khán đội bóng đá V.League sang xem các cầu thủ trẻ tập luyện và trưởng thành.

Quả ngọt của công việc đó bắt đầu được chứng kiến sau đó 7 năm, khi lứa đầu của HAGL JMG “xuống núi” năm 2014 với việc tham gia các giải trẻ quốc tế, gây nức lòng cho người yêu bóng đá Việt Nam, và góp phần chủ yếu khi đội U19 Việt Nam thắng đội đồng trang lứa Australia tới 5-1.

Thêm một cú đột phá gây chấn động nữa của bầu Đức. Trong hơn 1 năm trời, lứa cầu thủ này là hiện tượng có sức hút lớn nhất của bóng đá Việt Nam.

Rồi một ngày kia, ông bê cả đội hình đó lên thay đội hình 1 của mình để dự V.League. Đó là hiện tượng bất thường trong bóng đá, nhưng là tiến trình tất yếu trong cách làm của bầu Đức khi nỗi thất vọng với đội hình 1 được ông quy về sự hỏng hóc về con người của cả thế hệ trước.

Nhưng lò đào tạo lẫn lứa cầu thủ đó vẫn như chiếc trực thăng vậy, cất cánh thẳng đứng mà không thể bay đường dài. Sau lứa một, lò HAGL JMG vẫn chưa giới thiệu được khuôn mặt nào khả dĩ của các lứa tiếp theo.

Và sau màn khởi đầu hoành tráng, lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường cứ lụi dần, từ chỗ áp đảo trong danh sách đội tuyển U19 3 năm trước, nay chỉ còn 2-3 cầu thủ thường xuyên đá chính ở đội tuyển U23.

Nhưng cảm hứng to lớn của việc đào tạo trẻ quy mô mà bầu Đức khai phá thì không tàn lụi.

BẦU HIỂN – NGƯỜI TẠO ĐƯỜNG RAY

Khác hẳn với phong cách của bầu Đức, bầu Hiển – tên thật là Đỗ Quang Hiển – không tạo ra một sự kiện chấn động nào kể từ ngày làm bóng đá. Ông cần mẫn tập hợp các cựu cầu thủ Việt có tài năng và tâm huyết về để xây dựng đội bóng và đào tạo cầu thủ.

Cái tên Hà Nội T&T bắt đầu xuất hiện trong bản đồ bóng đá Việt Nam từ năm 2006 từ hạng thấp nhất, sau 3 năm thăng 3 hạng để lên V.League. Và cũng chỉ mùa thứ hai dự V.League, họ đã đăng quang. Tính chi li, mùa giải thứ 5 từ khi xắn tay làm bóng đá, bầu Hiển mới thực sự nếm trái ngọt đầu tiên, chậm rãi hơn nhiều so với chức vô địch ngay ở mùa thứ hai của bầu Đức.

Cái tên “bầu Hiển” ngay từ đầu không mang đến quá nhiều thiện cảm cho người hâm mộ bóng đá Việt Nam, vì không tạo ra sự kiện chấn động, đánh vào cảm xúc của người hâm mộ như bầu Đức.

Trái lại, bầu Hiển còn mang một hình ảnh tiêu cực, một ông bầu khuynh đảo V.League. Ngoài đội bóng ruột Hà Nội T&T mang tên doanh nghiệp T&T của mình (mới đổi tên thành CLB Hà Nội để tăng thiện cảm của người hâm mộ), ông còn đỡ đầu cho hàng loạt đội bóng khác ở V.League qua hình thức tài trợ như SHB Đà Nẵng, QNK Quảng Nam, Sài Gòn FC, và Than Quảng Ninh.

Với các tiêu chuẩn về quản trị giải đấu, nó tạo ra nguy cơ thông đồng giữa các đội cùng phe nhóm. Nhưng đây là lỗi của những nhà tổ chức hơn là lỗi của bầu Hiển.

6 trên 9 danh hiệu vô địch V.League mà các đội bóng “của bầu Hiển” giành được tại V.League từ 2009 đến nay (Hà Nội T&T 2010, 2013, 2016, SHB Đà Nẵng 2009, 2012, QNK Quảng Nam 2017) càng củng cố thêm cơ sở cho những nghi ngờ. Chỉ có Bình Dương (2 lần) và SLNA (1 lần) chen chân được vào ngai vàng V.League trong khoảng thời gian này.

Nhưng thật ra, ai chứng kiến Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng chơi bóng trong những mùa họ đăng quang, chỉ có thể nói rằng cả hai xứng đáng lên ngôi, thể hiện qua lối chơi và chất lượng bóng đá mà họ trình diễn.

Bảng vàng danh hiệu mà các đội bóng “của bầu Hiển” áp đảo ở V.League, cùng sự ổn định đáng kinh ngạc của Hà Nội T&T (CLB Hà Nội) trên đỉnh cao – dù vài năm gần đây họ trẻ hóa rất mạnh mẽ khi cho ra sân hàng loạt cầu thủ chưa đầy 20 tuổi – cho thấy năng lực làm bóng đá của bầu Hiển là không thể phủ nhận và rất bền vững.

Những cầu thủ được tham dự V.League khi chưa đầy 20 tuổi những năm qua có tên là Nguyễn Quang Hải, Đỗ Duy Mạnh, Trần Đình Trọng, Phạm Đức Huy, và Đoàn Văn Hậu, đều đang đá chính ở đội tuyển U23, nếu không bị chấn thương.

Họ là “cây nhà trồng được”, khi được đào tạo bởi chính lò đào tạo của đội bóng, không chỉ được tuyển chọn ở Hà Nội (Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng) mà ở cả các tỉnh phía bắc (Đức Huy từ Hải Dương, Văn Hậu từ Thái Bình).

Xét về quân số tham gia đội tuyển U23, họ nhỉnh hơn lò đào tạo nổi tiếng của bầu Đức (6-5). Xét về số thường xuyên đá chính thì còn chênh lệch hơn nữa (5-3 hoặc 5-2). Nhưng chúng ta thậm chí chẳng mấy khi chứng kiến lò đào tạo của CLB Hà Nội xuất hiện trên mặt báo và càng không có hiện tượng truyền thông đáng kể nào.

Có thể cách thức quản trị của bầu Hiển đã giúp họ phát triển bền vững. Những cầu thủ có tính chất biểu tượng của đội như Thành Lương, Văn Quyết hay mới đây là Quang Hải không bị đối diện với những tin đồn xấu về lối sống, ứng xử và vẫn gắn bó với đội bóng.

Bầu Hiển từng có thương vụ tuyển mộ đình đám là tiền đạo nổi tiếng Lê Công Vinh, nhưng khi tiền đạo xứ Nghệ kết duyên với một ngôi sao showbiz, ông đã không tìm cách giữ lại nữa.

Người ta lập luận rằng, ngay cả với con mình, bầu Hiển cũng không nuông chiều, khi vẫn cùng gia đình ở ngôi nhà cũ, sinh hoạt giản dị, tự tìm việc làm ở nước ngoài, thì dễ hiểu khi ông không nuông chiều để làm hư cầu thủ. Nhưng đủ hậu đãi họ để các cầu thủ giỏi gắn bó, chứ không phải tìm đường bỏ đi như đội bóng của bầu Kiên.

Bầu Đức – bầu Hiển, mỗi người một vẻ, đều đóng góp rất lớn cho bóng đá Việt Nam, đặc biệt là đội tuyển U23 hiện tại, và xứng đáng nhận sự tri ân của người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Nhưng nếu như bầu Đức đã được tung hô rất nhiều, thì bầu Hiển còn chưa được đánh giá đúng mực, dù thành tựu của ông với bóng đá Việt Nam còn lớn hơn, và bền vững hơn.