Học làm người – Sách Bão Lửa U23 Việt Nam – Thường Châu Tuyết Trắng

BÀI HỌC TRƯỚC HẾT Ở CÁC LÒ ĐÀO TẠO CẦU THỦ: HỌC LÀM NGƯỜI

Cầu thủ đội tuyển U.23 Việt Nam (VN) không chỉ thành công ở giải U.23 châu Á mà còn có phong thái đĩnh đạc, cách hành xử văn minh. Đó là thành quả của quá trình chăm sóc, học hành từ các lò đào tạo trẻ nổi tiếng của bóng đá VN.

Việc đội trưởng U.23 VN Lương Xuân Trường đối thoại 1 tiếng đồng hồ bằng tiếng Anh rất chuẩn trong chương trình Talk Việt Nam (VTV4) đã gây ấn tượng mạnh với người hâm mộ.

Nguyên tắc 2 chữ T

Nói về việc thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp của cầu thủ từ lò HAGL, bầu Đức chỉ cười cười, vì từ hơn chục năm trước, với tầm nhìn táo bạo của mình, ông đã hướng tới điều đó, bất chấp nhiều người cho là ông “nổ” hay “gàn”. Ông đã chọn Arsenal vì tư duy chơi bóng kỹ thuật, thông minh. Qua giới thiệu của “Giáo sư” Arsene Wenger, ông đã hợp tác với “lò” JMG nổi danh vì có những triết lý phù hợp với bóng đá VN cũng như triết lý trồng người: trước hết phải là những công dân tốt, có ích, sau mới là cầu thủ.

Nguyên tắc trồng người tại HAGL dựa trên 2 chữ T là “Tôn trọng” và “Tiến bộ”. Thứ nhất, học viên phải tôn trọng tất cả các yếu tố của bóng đá, trò chơi, người chơi, trọng tài, luật lệ và quy định… Điều này được quy chuẩn bằng văn bản và nội quy, hướng các cầu thủ trẻ từ những ngày đầu bước vào Trung tâm Hàm Rồng phải theo khuôn phép của luật lệ. Sau đó là phát triển nhân cách, để cho mỗi cá nhân cống hiến sức mạnh, nghị lực và khả năng của bản thân cho đồng đội, cho CLB của mình. Đó là lý do vì sao những Công Phượng, Xuân Trường… luôn biết vượt qua thị phi để các cầu thủ trẻ noi theo.

Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo các cầu thủ trẻ đôi khi cũng có những khó khăn, bởi ở độ tuổi đó họ thường bốc đồng, thích làm theo ý mình. Như tiền đạo Thanh Bình của U.20 VN từng phạm lỗi nặng. Nhưng thay vì đuổi khỏi học viện, các thầy đã cùng ngồi lại chia sẻ, phân tích cho chàng trai cá tính này. Chính văn hóa như một gia đình, cùng sự trân trọng tài năng đã giúp Thanh Bình trưởng thành lên nhiều, để anh có cơ hội bước ra sân chơi World Cup, hứa hẹn sẽ là một trong những chân sút chủ lực của HAGL trong vài năm tới.

Bản lĩnh trước cám dỗ

Bên cạnh những tiêu chí về đào tạo chuyên môn và học vấn, HAGL luôn kiên trì với quan điểm tránh để các cầu thủ trẻ phải đối mặt với cám dỗ tiền bạc quá sớm. Trưởng đoàn bóng đá HAGL Nguyễn Tấn Anh cho biết: “Bầu Đức luôn tâm niệm các cầu thủ trẻ hãy tập trung rèn luyện, không vội dính đến tiền bạc. Bởi vậy HAGL là nơi đặc biệt trong cả nước các học viên chỉ lãnh một phần lương, số lớn còn lại được kế toán gửi trực tiếp về gia đình”. Hằng ngày, vào buổi sáng các học viên đến trường để học văn hóa. Vào các buổi tối (trừ chủ nhật), các em sẽ được học ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Pháp). Thậm chí bầu Đức còn thuê những giáo viên người nước ngoài như ông Servano Rene Gajardo (người Philippines) để giúp các em nói đúng giọng chuẩn.

Còn nhớ khi cơn sốt U19 VN đang lên cao trào, cuối năm 2014 bầu Đức lẳng lặng khánh thành phân viện Hàm Rồng của Trường ĐH Sư phạm thể dục thể thao TP.HCM. Khi mọi người đang khen các chàng trai giỏi ngoại ngữ, có phông nền văn hóa tốt thì ông đã nghĩ xa hơn. Ít người biết rằng ngoài lịch tập luyện và thi đấu dày đặc ở V-League cũng như các đội tuyển quốc gia, những lãnh đạo CLB HAGL luôn vất vả duy trì lịch học văn hóa cho những chàng sinh viên – cầu thủ. Để làm sao trong vài năm tới, khi đủ trưởng thành trên sân cỏ làm trụ cột cho đội tuyển quốc gia, lứa Công Phượng sẽ vững vàng khi trở thành một cử nhân chuyên ngành, có thể kiếm sống khi giải nghệ. Nhờ vậy, ngay ở tuổi 20 Xuân Trường đã tự tin hướng đến giấc mơ trở thành nhà quản lý thể thao, như Công Vinh đang làm.

PVF, Viettel cũng quán triệt dạy cầu thủ thành nhân

Hà Đức Chinh là một thanh niên rất ngoan, có hiếu với bố mẹ, lễ phép với các thầy và thân thiện với cộng đồng. Chinh là một trong những cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo PVF.

Huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Việt Thắng cho biết: “Chúng tôi dạy dỗ các em từ những thứ tưởng như nhỏ nhặt nhất. Ra sân tập phải xếp hàng, để giày thẳng hàng thẳng lối, không xả rác bừa bãi. Đi ăn phải tuyệt đối đúng giờ, đúng màu áo đội của mình. Chúng tôi cũng hướng các em tới những hoạt động mang tính cộng đồng, nhằm giúp các em thấu hiểu hơn những gì đang diễn ra xung quanh mình. Cầu thủ không nên chỉ biết mỗi đá bóng mà còn phải biết thông cảm, sẻ chia. Cầu thủ thời đại mới phải có trái tim ấm áp. Những HLV như chúng tôi thực sự mong muốn “tưới” cho các em những dòng nước trong lành để các em trở thành những cây xanh không bị sâu trong tương lai”.

Tuyển U.23 Việt Nam (VN) đã ghi dấu ấn đậm trong thống kê 10 thành tích xuất sắc nhất, khoảnh khắc ấn tượng của các đội bóng và cầu thủ tại Giải vô địch U.23 châu Á 2018 được tổng hợp bởi Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC).

Thế hệ sau Hà Đức Chinh, từ lứa 10 tuổi trở đi, PVF cho học văn hóa tại Vinschool. Mỗi tuần các cầu thủ được học thêm 4 buổi tiếng Anh vào buổi tối, với giảng viên VN và nước ngoài. Cũng 2 buổi trong tuần, họ được dạy kỹ năng sống, những kiến thức mà sách vở trường lớp không có.

Chia sẻ với Thanh Niên về cách dạy làm người ở Trung tâm thể thao Viettel, thượng tá Hà Hữu Tám, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc trung tâm, nói: “Giá trị cốt lõi của một đơn vị quân đội chính là truyền thống cách mạng, truyền thống của người lính. Chúng tôi đặt ra 4 tiêu chí, trong đó văn hóa được ưu tiên số 1. Văn hóa ở đây gồm cả văn hóa học đường và văn hóa ứng xử. Nếu cầu thủ không được đào tạo, không được học hành nghiêm túc sẽ không có kiến thức nền”.

Theo thượng tá Tám, mỗi cầu thủ của Viettel đều phải trải qua thời gian huấn luyện quân sự theo chương trình bắt buộc của toàn quân. Trong thời gian rèn luyện quân sự, họ không được hưởng chế độ ăn 300.000 đồng/người/ngày của cầu thủ mà ăn đúng chế độ người lính để hiểu được sự vất vả mà có ý chí vươn lên. “Chỉ sau 1 tháng học quân sự, họ trưởng thành lên rất nhiều. Chúng tôi muốn các cầu thủ Viettel mang phong cách của công dân toàn cầu. Mục tiêu của Viettel không phải đào tạo cầu thủ lấy lợi nhuận mà phục vụ cho Tổ quốc, cho quân đội”, thượng tá Tám chia sẻ.

CLB Hà Nội hướng cầu thủ tới chân – thiện – mỹ

CLB Hà Nội rất tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, như hằng năm tham dự chương trình “Chạy vì trẻ em Hà Nội” hay hiến máu nhân đạo trong ngày “Chủ nhật đỏ”. Các cầu thủ trẻ như Quang Hải, Duy Mạnh, Đức Huy, Thái Quý… là những nhân vật không bao giờ vắng mặt trong các sự kiện từ thiện này. Theo Chủ tịch CLB Nguyễn Quốc Hội: “Chúng tôi muốn cầu thủ của mình hướng tới chân – thiện – mỹ. Một trong những cách làm tốt nhất là tham gia nhiều hoạt động xã hội, không chỉ giúp kết nối con người với con người, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái mà còn là sự thể hiện trách nhiệm cao của đội bóng với xã hội”.

Sông Lam Nghệ An cắt hợp đồng nếu cầu thủ tự ý bỏ học

Ông Hồ Văn Chiêm, Giám đốc điều hành CLB SLNA, cho biết: “Chúng tôi đề cao việc học hành của cầu thủ. Do đó, quy định của lò đào tạo SLNA là các cầu thủ phải học văn hóa đến nơi đến chốn, ít nhất phải tốt nghiệp lớp 12. Nếu trong quá trình tập luyện, thi đấu mà cầu thủ tự ý bỏ học, chúng tôi sẽ chấm dứt hợp đồng ngay lập tức. Cũng mừng là SLNA chưa phải cắt hợp đồng với ai vì lý do này”. Được biết cầu thủ U23 Việt Nam Xuân Mạnh đã tốt nghiệp THPT với số điểm rất cao.